article main image
Kiểm toán nhà nước phải là cơ quan "độc lập chỉ tuân thủ pháp luật"By VnMedia

(VnMedia) - Các ý kiến xây dựng Luật Kiểm toán nhà nước đề nghị sửa đổi toàn diện các điều khoản của Luật cho phù hợp với tư tưởng của Hiến pháp và cần tiếp tục hoàn thiện sửa đổi theo hướng KTNN là cơ quan “độc lập chỉ tuân thủ pháp luật”…


Chiều ngày 23/5, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải, quá trình thẩm tra cho thấy, một số ý kiến đề nghị xác định rõ địa vị pháp lý của KTNN trong cơ chế phân công quyền lực nhà nước từ đó xác định mô hình, sửa đổi toàn diện các điều khoản của Luật cho phù hợp với tư tưởng của Hiến pháp và cần tiếp tục hoàn thiện sửa đổi theo hướng KTNN là cơ quan “độc lập chỉ tuân thủ pháp luật”.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về công khai báo cáo kiểm toán và quy trình thực hiện các khuyến nghị của báo cáo kiểm toán. Bên cạnh đóm một số ý kiến của Ủy ban cho rằng việc sửa đổi Luật là chưa thực sự cần thiết vì sau 3 năm thực hiện, cơ bản Luật vẫn phù hợp thực tiễn; nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến các Luật chuyên ngành nhưng dự thảo Luật chưa quy định rõ, cụ thể để đảm bảo thống nhất; nhiều sửa đổi quan trọng chưa nhận được sự đồng tình của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị không nên bổ sung các quy định liên quan đến Luật khác mà nên tổng kết, đánh giá vướng mắc trong thực tiễn để sửa chính các Luật đó.

Về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán.

“Ủy ban Tài chính và Ngân sách thống nhất bổ sung quy định này để bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, nếu quy định “cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại…” thì phạm vi tương đối rộng và chưa chặt chẽ. Đề nghị cân nhắc quy định giới hạn “đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động KTNN…” được quyền khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán” - Ông Nguyễn Đức Hải nói.

Đồng thời để bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại và khiếu nại đến cùng (khiếu kiện ra tòa) đối với báo cáo kiểm toán cần nghiên cứu bổ sung điều, khoản cụ thể để sửa đổi các điều khoản liên quan của Luật Khiếu nại, đặc biệt là khiếu kiện ra tòa vì hiện nay Báo cáo kiểm toán của KTNN không phải là quyết định hành chính.

Đối với nội dung bổ sung để thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tài chính và Ngân sách thống nhất cần bổ sung quy định để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên cần rà soát các điều khoản dự thảo Luật đang bổ sung để hạn chế tối đa việc dẫn chiếu lại các quy định trong Luật phòng chống tham nhũng dẫn đến trùng lặp, không cần thiết.

Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, sửa đổi Luật cần tập trung: làm rõ thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Quy định quyền hạn, phạm vi, trình tự, thủ tục của KTNN trong việc kiểm tra, đối chiếu… đối với tổ chức, cá nhân có liên quan…

Thảo luận tại tổ về Luật Kiểm toán nhà nước, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị kiểm toán cần bổ sung 3 thẩm quyền cho Kiểm toán nhà nước vào trong luật.

Một là, chức năng giám định tư pháp: Hoạt động giám định tài chính rất khó và lâu, vì trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đều phải tiến hành giám định. Tuy nhiên, cơ quan giám định làm rất chậm. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước có thể có đủ năng lực, điều kiện, trình độ để thực hiện các kết luận giám định. Do đó, bổ sung nội dung này sẽ tháo gỡ khó khăn cho cơ quan tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra.

Hai là, bổ sung quyền khiếu nại các quyết định kiến nghị kiểm toán cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, để đảm bảo tính dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ba là, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan kiểm toán, vì theo ông Cầu, khi phát hiện ra, kiểm toán kiến nghị và xác định sai phạm đã được thừa nhận, và có những cá nhân tổ chức không hợp tác thì vấn đề xử lý vi phạm hành chính của kiểm toán là tất yếu.

Xuân Hưng